Hiện tại có rất nhiều
quan niệm khác nhau về "Thương hiệu" và “nhãn hiệu”. Xin lược qua một số quan
niệm sau đây:
Từ điển "Longman
tiếng Anh kinh doanh" đưa ra định nghĩa:"Thương hiệu" có xuất xứ
là dấu hiệu của người sở hữu, thường được thể hiện bằng dấu đóng lên súc vật.
Ngày nay thuật ngữ này thường được dùng như tên của người sản xuất, nhãn hiệu thương mại hay một ký hiệu
trên hàng hoá, thường được đăng ký và bảo hộ, dùng để người sử dụng có thể dễ
dàng phân biệt sản phẩm hay chất lượng sản phẩm ".
- Hiệp hội marketing
Mỹ quan niệm rằng “Thương hiệu là một cái tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu
tượng, một hình vẽ hay tổng hợp tất cả các yếu tố kể trên nhằm xác định các sản
phẩm hay dịch vụ của một (hay một nhóm) người bán và phân biệt các sản phẩm (dịch
vụ) đó với các đối thủ cạnh tranh".
- Nhiều ý kiến cho rằng
thương hiệu là bất kỳ dấu hiệu nào dùng để phân biệt sản phẩm/ dịch vụ của
doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác. Nói cách khác, thương hiệu là dấu hiệu
để nhận biết sản phẩm/dịch vụ.
Để có thể hiểu rõ hơn
bản chất thuật ngữ "Thương hiệu", cần phân biệt "Thương hiệu"
và "Nhãn hiệu hàng hoá"
Trong các tài liệu hiện
nay được phổ biến ở Việt Nam, nhiều tác giả thường tạo ra cho người đọc cảm nhận
rằng “thương hiệu” và "nhãn
hiệu hàng hoá" là hai thuật ngữ đồng nhất và có thể thay thế nhau.
Tuy nhiên,
"thương hiệu" và "nhãn hiệu" không nên xem là những khái niệm
đồng nhất. Điều 785 Bộ Luật Dân sự của Việt Nam định nghĩa “Nhãn hiệu hàng hoá
là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản
xuất kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hoá có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự
kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”. Qua đó có thể
thấy, "Thương hiệu" là khái niệm mang tính chất "bản chất",
còn "Nhãn hiệu" mang tính chất "hình thức". Một nhãn hiệu
hàng hoá có thể dùng để thể hiện thương hiệu nào đó, nhưng thương hiệu không phải
chỉ được thể hiện bằng nhãn hiệu hàng hoá. Mặt khác, thương hiệu có thể chỉ thuần
tuý thể hiện bằng một tên gọi và luôn gắn với một tên gọi, còn nhãn hiệu lại có
thể bao gồm tên gọi, biểu tượng...
Một thuật ngữ nữa
cũng cần được làm rõ để phân biệt với "Thương hiệu", đó là "Tên
thương mại".
Việt Nam, tên thương
mại được bảo hộ theo Nghị định 54 là "tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng
trong hoạt động kinh doanh, có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi
đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh."
Như vậy, có thể thấy
"Thương hiệu", "Nhãn hiệu hàng hoá", ""Tên thương
mại" là những thuật ngữ không hoàn toàn đồng nhất, mặc dù chúng có quan hệ
mật thiết với nhau, trong đó, thương hiệu có thể được nhận biết nhờ vào nhãn hiệu
hàng hóa hoặc/và tên thương mại.
Tóm lại, thương hiệu
có thể hiểu về bản chất là danh tiếng của sản phẩm, dịch vụ hoặc của doanh nghiệp
mà khách hàng nhận biết nhờ vào nhãn hiệu hàng hoá và những yếu tố ẩn bên trong
nhãn hiệu đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét