Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Những danh thiếp hài hước


Danh thiếp (name card hay card visit) đã được “xã hội hóa” đến mức anh chạy xe ôm đầu phố, chị bán trái cây ở chợ, cô bé hớt tóc gội đầu, chàng thanh niên tẩm quất dạo… cũng luôn thủ sẵn danh thiếp in bằng nhiều thứ tiếng trong túi.

In danh thiếp bằng nhiều thứ tiếng, thường dùng nhất là tiếng Việt và tiếng Anh đang phổ biến. Đây là điều hết sức cần thiết với những người thường xuyên giao tiếp với khách nước ngoài. Thế nhưng cũng lắm khi chính những người Việt lại “gây khó dễ” cho nhau khi trao đổi những danh thiếp toàn bằng tiếng Anh.

Một nhân viên công ty du lịch đã có lần toát mồ hôi khi tìm cách liên hệ với một chủ doanh nghiệp tận Khánh Hòa qua cái tên trên danh thiếp “Dr. Pham Van Ly”. Ông bảo vệ tiếp điện thoại một mực khẳng định ở đây không có anh “Lý tiến sĩ” nào cả. Cãi nhau một hồi, bên kia đầu dây mới hay anh này tìm ông giám đốc tên Lỳ để xuất hóa đơn. Khổ thật, chữ Dr. vốn thường viết tắt cho chữ doctor (bác sĩ, tiến sĩ), ông chủ doanh nghiệp này “chơi tắt” luôn cho chữ director (giám đốc), lại đặt trước cái tên.

danh thiep, card visit, name card, in danh thiep, in name card, in card visit,

Một lần, đang dừng xe ở một chốt đèn ngã tư, Nam được tiếp thị tấm danh thiếp với những dòng giới thiệu “Thanh Tam Hair Institute” mà bối rối. Hair (tóc) thì dễ hiểu rồi; thế còn institute (nghĩa tiếng Anh là viện, học viện; còn nghĩa tiếng Mỹ là cơ sở đào tạo kỹ thuật cấp đại học), chẳng lẽ đây là Học viện tóc Thanh Tâm? Khi ngang qua đường Bùi Thị Xuân (theo địa chỉ trên danh thiếp), dòm bảng tiếng Việt mới “bật ngửa”: Viện uốn tóc. Rõ khổ, viện uốn tóc thì phải là hairdressing salon, đằng này, cô chủ nâng cấp cái tiệm hớt tóc nhỏ của mình thành học viện nghiên cứu tóc.

Khổ nhất là việc tìm địa chỉ theo danh thiếp khi các địa danh tiếng Việt bị chuyển ngữ hoàn toàn nhưng lại không theo quy tắc nào. Chẳng hạn, Chợ Lớn thì được dịch sát thành Big Market, chung cư Miếu Nổi được “Ăng-lê hóa” thành Floating Temple Apartment. Thậm chí cái tên đường cũng được “chuyển ngữ”, như đường Bàn Cờ thành Chess-board street. Cầm những tấm danh thiếp được “dịch” theo kiểu trên, chỉ có trời mới tìm ra địa chỉ.

Danh thiếp là công cụ để những người tham gia giao tiếp giới thiệu một cách ngắn gọn nhất về cá nhân hoặc tổ chức của mình. Những nội dung cần phải có trên danh thiếp thường là tên tổ chức (hoặc doanh nghiệp), họ và tên người, chức danh, địa chỉ, số điện thoại (cơ quan, nhà riêng, điện thoại di động) và e-mail. Thế nhưng, sau khi bỏ nhiều thời gian đến các cơ sở in ấn, xem qua hàng trăm tấm danh thiếp, mới nhận ra rằng xung quanh không phải ai cũng theo “chuẩn” nói trên.

Có người không ngần ngại áp cả ảnh chân dung của mình vào tấm danh thiếp, trông như một cái chứng minh thư. Có người làm nghề tư vấn phong thủy, thực ra là thầy bói, in cả hình âm dương bát quái trên tấm danh thiếp cho oai. Khó chịu nhất là những tấm danh thiếp với nội dung khoe khoang. Chủ nhân của nó có bao nhiêu học hàm, học vị và chức danh thì in tất tần tật lên danh thiếp.

Trước đây trong làng báo có truyền miệng “giai thoại” về tấm danh thiếp của một cộng tác viên báo chí. Trên đó, bên dưới họ và tên, ông ta in hàng loạt 5-7 bút danh rồi nhấn mạnh bằng dòng chữ in đậm “Chuyên cung cấp tin, bài cho các báo lớn”. Nay, chuyện tương tự như trên cũng có khá nhiều. Có một ông ở An Giang, nguyên là kỹ sư nông lâm nghiệp, nay về hưu nuôi cá và bán cây ăn trái, tự giới thiệu mình trên danh thiếp: “Kỹ sư, chuyên viên thủy sinh, chủ vựa cây ăn trái, Phó Ban Quản lý chợ đầu mối trái cây, tư vấn viên nông nghiệp”… Xem xong, chẳng biết công việc chính của ông ta là gì.
Cũng có những tấm danh thiếp “tiết kiệm” hết mức, trên ấy chỉ in hình minh họa và số điện thoại, đánh đố người khác. Cô chủ cơ sở in trên đường Trần Quốc Thảo đưa cho xem tấm danh thiếp, bên dưới hình vẽ đôi trai gái hôn nhau là dòng chữ vỏn vẹn “Grace Chow, mobile:… “, rồi đố tấm danh thiếp này giới thiệu điều gì.

Hình thức của tấm danh thiếp cũng là điều đáng bàn. Theo các chủ cơ sở in lụa, kích cỡ phổ biến của danh thiếp hiện nay là 5 cm x 8,5 cm, hoặc 5,5 cm x 9 cm, in một hoặc hai mặt với một hoặc hai màu, ít khi 3 màu. Thế nhưng cũng có lắm người phá cách, chơi trội bằng cách dùng danh thiếp khổ nhỏ hoặc lớn hơn, danh thiếp gấp đôi, gấp ba, thậm chí hình tròn, hình vuông… Ngán nhất là gặp phải những danh thiếp in bằng các phông chữ màu mè, khó đọc. Đặc biệt, hiện nay không ít người dùng chữ viết theo lối thư pháp (calligraphy) để in danh thiếp, khiến ngay cả người Việt Nam cũng bó tay trước những kiểu chữ ngoằn ngoèo như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét