Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Công nghệ in tiền ở các nước


Nay chúng tôi xin chia sẽ bài viết sưu tầm về công nghệ in tiền ở nước Nga, Mỹ và Việt Nam. Nhằm giúp chúng ta biết thêm công nghệ in tiền là như thế nào. Mong có sự nhận xét và đóng góp thêm nếu như bài viết thiếu sót và sai lệch nhé

Công nghệ in tiền của Nga
Tại Nga, đồng tiền được thử nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt nhất: quay trong máy ly tâm, giặt trong máy giặt, gập hàng ngàn lần, ngâm lâu trong nước, tiếp xúc với 19 chất hóa học mạnh, trong số đó có cồn, acetol, các dung môi clo, dầu nhựa thông.

in, in an

Tại nhà máy “Goznak”, nơi sản xuất tiền, ngay cả các nhà khoa học của viện nghiên cứu chuyên ngành cũng bị kiểm tra rất kỹ lưỡng, mặc dù các bí mật quan trọng nhất nằm trong đầu của họ. Nhà máy Liên hiệp “Goznak” là viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành, nơi chế ra công thức làm giấy và màu để in tiền, hợp kim để làm tiền kim loại, các giấy tờ có giá trị, tem thuế và các huân, huy chương, thuộc loại bí mật nhất. Người ta không bao giờ thấy tên các nhân viên của viện này trên bất kỳ tuyển tập công trình khoa học nào, họ hiếm khi tham gia hội thảo khoa học, hầu như không bao giờ ra nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm và không gặp gỡ các nhà báo.

Các sáng chế mới được áp dụng hầu như là kết quả của sự sáng tạo tập thể và chủ yếu liên quan tới công nghệ bảo vệ. Tất cả là sở hữu trí tuệ của các nhân viên, nhưng bằng sáng chế, nếu có, lại thuộc về “Goznak”. Không ai có quyền công bố các phát minh này vì đó là bí mật quốc gia. Do chế độ bảo mật nghiêm ngặt, ở viện rất hiếm có chuyện bảo vệ luận án. Chỉ trong các cuộc họp kín của hội đồng khoa học, người ta mới có thể tiết lộ nội dung công việc. Nếu có ai đó là nhân viên của viện chuyển chỗ làm việc, họ phải ký cam đoan không làm lộ bí mật. Viện này được thành lập ngay sau chiến tranh, khi người ta bắt đầu cần tiền mặt thay tem phiếu.

Đồng rúp - một trong những đồng tiền bền vững nhất: Nga là một trong số các nước không mua giấy làm tiền ở nước ngoài mà tự sản xuất lấy. Thành phần và tỉ lệ vật liệu làm giấy này là điều bí mật. Mỗi quốc gia có công thức làm giấy in tiền riêng và giữ bí mật về chúng rất nghiêm ngặt. Quá trình làm giấy in tiền là bí quyết của bất kỳ nước nào vì bản thân giấy cũng có những tính chất bảo vệ. Điều được nhiều người biết đến là ở châu Âu người ta sử dụng 100% xelulo làm giấy tiền, còn ở Nga người ta sử dụng bông, cho thêm chất gỗ, có khi thêm cả sợi gai dầu. Mới đây, các nhà khoa học Nga đã đưa ra một phương pháp hóa học mang tính bảo vệ: thêm vào giấy một chất dễ xác định khi kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng. Sáng chế mới này đã được sử dụng để sản xuất tem thuế.

Giá thành sản xuất giấy làm tiền cũng là điều bí mật. Đó là giá không rẻ. Các nhà khoa học Nga cố gắng làm ra giấy sao cho tuổi thọ của đồng tiền là cao nhất. Tiền sau khi sản xuất ra được thử nghiệm ở những điều kiện khắc nghiệt nhất: Quay trong máy ly tâm, giặt bằng bột giặt trong máy giặt, gập hàng ngàn lần vào các hướng khác nhau, ngâm lâu trong nước và không sợ 19 loại chất hóa học mạnh, trong số đó có cồn, dấm, acetol, các dung môi clo, dầu nhựa thông.

Vào năm 1961, người ta đã áp dụng mực in chịu được nhiệt. Cơ sở của tất cả các loại mực in tiền là 4 loại màu. Để in 1.000 tờ tiền (khi các đồng tiền giấy chưa được cắt ra), người ta cần dùng 2 - 3kg màu. Một nửa số đó trở thành chất thải. Nhất là khi in bằng ống kim loại, người ta sử dụng thành phần có hàm lượng phấn cao. Mỗi ngày trong các khuôn in đọng lại hàng trăm kg dung dịch phấn, xử lý chất thải này là cả một vấn đề.

Một kết quả nghiên cứu khoa học nữa là “màu biến đổi về quang học”. Trên các đồng tiền 500 và 1.000 ruble của Nga hiện nay, nếu nhìn bình thường sẽ thấy ở góc trên bên trái có một vòng màu ánh vàng, nhưng khi để đồng tiền xéo về phía ánh sáng sẽ thấy vòng đó có màu hơi xanh lục. Ngoài ra, trên các đồng tiền của Nga còn có các dấu hiệu mà máy đọc được. Ví dụ khi đặt một con tem thuế vào chiếc máy đọc, có thể nhận biết được ngay tem đó thật hay giả.

Công nghệ in tiền của Mỹ:

Sau 60 năm hầu như không thay đổi hình thức tờ bạc 100 USD, nay Mỹ quyết định sẽ đưa ra một hình ảnh hoàn toàn khác với nhiều thay đổi về hoa văn, hình dáng, chi tiết an ninh... nhằm tăng cường khả năng chống làm giả. Trên tờ bạc 100 USD mới sẽ có sợi chỉ an ninh đặc biệt, khác với sợi chỉ an ninh trên tờ cùng mệnh giá hiện nay. Giới chuyên môn Mỹ cho biết, hiện nay bọn in tiền giả đã có trình độ công nghệ rất cao nhờ được trang bị những máy tính điện tử tinh xảo nhất, các máy quét chất lượng cao nhất, và các máy chụp in màu tối tân nhất nên có thể cho ra đời những tờ bạc giả gần như bạc thật. Để chống lại bọn in tiền giả, giới chuyên môn Mỹ sử dụng công nghệ in phức hợp kết nối nhiều công đoạn in micro với những ống kính siêu nhỏ. Trong trường hợp in tờ bạc 100 USD mới, các nhà chuyên môn Mỹ đã sử dụng đến 650.000 ống kính siêu nhỏ để sao chụp. Các ống kính này giúp phóng to những hình rất nhỏ một cách rõ nét và chân thực.


Nếu lật tờ bạc mới 100 USD từ mặt này sang mặt kia, các hình ảnh sẽ xuất hiện theo chiều lên - xuống. Còn khi di chuyển tờ bạc theo chiều lên - xuống, các hình ảnh sẽ xuất hiện theo chiều từ bên này sang bên kia.Đây là hiệu ứng của công nghệ cấu trúc quang học phức hợp đối với những hình rất nhỏ. Ông Douglas Crane, Phó Chủ tịch tập đoàn Crane & Co. cho biết, hiệu ứng này giúp cho những bí mật của tờ bạc 100 USD mới khó bị đánh cắp. Bộ Tài chính Mỹ đã phải trả đến 46 triệu USD cho hợp đồng sản xuất những sợi chỉ an ninh mới dùng cho tờ bạc mệnh giá 100 USD mới này.

Công nghệ in tiền của Việt Nam:

    Những tiến bộ về kỹ thuật in, sao chụp với sự hỗ trợ của các loại máy tính thế hệ mới sẵn có trên thị trường đang làm cho nguy cơ tiền giả luôn tiềm ẩn và có chiều hướng gia tăng. Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải không ngừng nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền, cải tiến, bổ sung các mẫu tiền mới một cách thường xuyên hơn và ứng dụng tiến bộ công nghệ về chế tạo vật liệu bởi theo ý kiến của các chuyên gia chống giả, sử dụng chất liệu in tiền mới là giải pháp quan trọng và có hiệu quả dài hạn. Polymer là chất liệu đáp ứng được những yêu cầu này, cho phép tạo ra những đồng tiền có khả năng chống giả cao, bền và sạch hơn tiền giấy truyền thống.


Từ năm 1967, Ngân hàng Dự trữ Australia bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng chất liệu polymer vào công nghệ in tiền. Năm 1988, Australia in thử nghiệm đồng tiền lưu niệm trên giấy nền polymer. Năm 1992, Australia chính thức phát hành đồng tiền polymer đầu tiên trên thế giới. Hơn một thập kỷ sau, tiền polymer được phát hành ở 18 nước, trong đó, Australia, Newzealand và Rumani hoàn toàn sử dụng tiền polymer thay cho tiền giấy truyền thống. Thực tế ở những nước này đã khẳng định tiền polymer có chất lượng cao trong lưu thông và ngăn chặn có hiệu quả nạn tiền giả.


    Khác với các loại nhựa thông dụng, giấy nền polymer được sản xuất theo quy trình công nghệ đặc biệt, chuyên dùng cho in tiền. Có thể mô tả khái quát quy trình này gồm hai công đoạn: sản xuất phim và in phủ. Ban đầu, một chất nhựa tổng hợp đặc biệt có nguồn gốc từ dầu mỏ được làm nóng chảy và thổi vào đó luồng khí nén có áp suất lớn để tạo ra màng nhựa mỏng dạng bong bóng. Khi hút mạnh không khí ra, màng nhựa này sẽ đi qua thiết bị đặc chủng và được cán phẳng thành phim trong suốt, có độ đàn hồi và kích thước hợp lý. Tiếp theo, phim sẽ được in phủ bởi nhiều lớp hoá chất đặc biệt phù hợp với việc in tiền và tạo thành giấy nền polymer. Công đoạn này không những cài đặt các yếu tố bảo an tương tự như giấy in tiền truyền thống (hình bóng chìm, dây bảo hiểm...) mà còn tạo ra những cửa sổ trong suốt hai mặt (vùng không được in phủ), cho phép sử dụng công nghệ cao để cài đặt yếu tố hình ẩn, yếu tố chống giả đặc trưng của tiền polymer. Mặc dù giấy nền polymer được sản xuất bởi công nghệ mới nhưng quá trình in tiền polymer vẫn sử dụng mực in và thiết bị, công nghệ như in tiền giấy truyền thống, ngoại trừ có thêm công đoạn in phủ véc-ni để bảo vệ lớp mực in trên đồng tiền trong quá trình lưu thông. Giấy nền polymer có nhiều tính chất tương tự như giấy in truyền thống nên hầu hết các yếu tố bảo an hiện nay của tiền giấy đều áp dụng được trên chất liệu polymer như hình định vị, in lõm...

Ngoài ra, chất liệu polymer còn cho phép in những nét mảnh, siêu nhỏ tinh xảo hơn so với in trên giấy truyền thống nên hiệu quả chống sao chụp cao hơn. Đáng lưu ý là quá trình in tiền polymer sẽ tạo ra hình dập nổi trên cửa sổ trong suốt. Hình ẩn và hình dập nổi trong cửa sổ là yếu tố bảo an độc đáo của tiền polymer, dễ nhận biết đối với người tiêu dùng nhưng rất khó làm giả bằng các phương thức in, sao chụp mà bọn tội phạm thường sử dụng. Có thể cho rằng, đồng tiền polymer là sản phẩm của sự kết hợp hài hoà giữa chất liệu nền được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và kỹ thuật in tiền hiện đại, đáp ứng những yêu cầu cao về mức độ bảo an của đồng tiền.

    Sử dụng tiền polymer không những nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền trong lưu thông mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội. Thực tế ở những nước sử dụng tiền polymer cho thấy, bình quân loại tiền này có tuổi thọ trong lưu thông cao hơn 3 lần so với tiền giấy. Vì vậy, mặc dù chi phí ban đầu để in tiền polymer có thể cao hơn so với tiền giấy nhưng sẽ tiết kiệm và giảm đáng kể chi phí phát hành tiền trong dài hạn. Đây là kết quả tất yếu bởi giấy nền polymer có kết cấu đồng nhất (không có cấu tạo sợi) nên có độ bền cơ học cao hơn các loại giấy sản xuất từ sợi xenlulô, bông hay lanh. Mặt khác, giấy nền polymer không thấm nước và đồng tiền polymer còn được in phủ các lớp véc-ni bảo vệ nên đồng tiền không hút ẩm, chất lỏng hay các các tạp chất khác trong quá trình lưu thông, nhờ vậy, có thể làm sạch đồng tiền polymer bằng nước và lau nhẹ khi đồng tiền bị dính chất bẩn trên bề mặt.

Đây là điều không thể thực hiện đối với tiền giấy bởi trong trường hợp tương tự, chất bẩn sẽ thẩm thấu sâu vào trong nền giấy cotton, làm đồng tiền nhanh bị hư hỏng. Mặt khác, tiền polymer cũng không bị mủn, nhàu nát và không tạo ra “bụi tiền” như tiền giấy bởi giấy nền polymer có kết cấu đồng nhất và bền vững. Do vậy, sử dụng tiền polymer sẽ nâng cao năng suất, hiệu quả kiểm đếm, phân loại tiền bằng máy và các thiết bị quản lý tiền tự động (ATM...). Ngoài ra, sử dụng tiền polymer sạch và bền hơn, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng cũng góp phần bảo vệ môi trường.

    Đối với nước ta, tiền giả là vấn đề bức xúc, có biểu hiện và diễn biến phức tạp. Theo giới chuyên môn, nhiều trường hợp tiền giả phát hiện được cho thấy bọn tội phạm đã sử dụng trang, thiết bị kỹ thuật để làm giả khá tinh vi với số lượng lớn. Để nâng cao khả năng chống giả của đồng tiền Việt Nam, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành hai đồng tiền mới, mệnh giá 50.000đ và 500.000đ được in trên chất liệu polymer với mẫu thiết kế hiện đại. Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đồng tiền Việt Nam, ngăn chặn nạn tiền giả. Công nghệ in tiền trên chất liệu polymer đã được kiểm chứng, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Thực tế, đồng tiền polymer 50.000đ, 500.000đ mới phát hành vừa qua đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, khẳng định chất lượng trong lưu thông bởi chính những ưu điểm của giấy nền polymer và ứng dụng công nghệ in tiền tiên tiến.

    Tuy nhiên, giấy nền polymer cũng có những hạn chế nhất định. Vì vậy, để phát huy đầy đủ hiệu quả của đồng tiền polymer mới, cần có cách sử dụng, bảo quản phù hợp với tính chất của loại vật liệu này.

Thứ nhất, do được in trên giấy nền polymer nên đồng tiền dễ bị biến dạng khi tiếp xúc hoặc để gần ngọn lửa hay nguồn nhiệt cao như bàn là, bếp lò....Thực tế thời gian qua đã có một số trường hợp người dân do chưa nắm vững cách bảo quản nên sơ ý để đồng tiền polymer tiếp xúc với nhiệt độ cao, làm đồng tiền bị biến dạng.

Thứ hai, giấy nền polymer có kết cấu đồng nhất nên đồng tiền mới rất khó bị làm rách trong điều kiện lưu hành bình thường nhưng khi kết cấu này bị phá vỡ (bị cắt ở cạnh hay thủng) thì đồng tiền polymer rất dễ bị rách.

Thứ ba, cũng giống như đồng tiền in trên giấy cotton truyền thống, đồng tiền polymer nếu bị vò, xiết mạnh theo nếp gấp, đồng tiền sẽ bị nhàu và mực in sẽ bị mài mòn nhanh hơn trong quá trình lưu thông. Tuy nhiên, những nếp gấp thông thường trên đồng tiền polymer sẽ được làm phẳng khi ép nhẹ đồng tiền trên bề mặt phẳng trong một thời gian nhất định. Như vậy, để hạn chế tối đa những tổn thất không đáng có, người sử dụng nên giữ phẳng đồng tiền, không gấp và xiết mạnh đồng tiền, tránh để đồng tiền ở gần nguồn nhiệt cao.

Công nghệ in sản xuất tiền trong tương lai

Sau 10, 20 hoặc 50 năm, các chuyên gia dự đoán sẽ có những công nghệ đột phá trong lĩnh vực in tiền. Một số chuyên gia cho rằng trong tương lai sẽ xuất hiện những khả năng kỹ thuật để cho ra đời đồng tiền biết nói. Khi chạm vào đồng tiền, một giọng nói sẽ vang lên báo cho người sử dụng biết đồng tiền mệnh giá bao nhiêu. Loại tiền như vậy rất có ích đối với người mù và người lớn tuổi.

Một ý tưởng khác: đồng tiền chiếu sáng, khi có người đụng vào, đồng tiền lập tức phát sáng. Điều đó giúp đủ để nhìn thấy trong bóng đêm bên trong chiếc ví có gì hoặc đồng tiền mệnh giá bao nhiêu. Còn một ý tưởng nữa là gắn chip điện tử vào đồng tiền để chống làm giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét